BĐS 2015: Nhà đầu tư ngoại vẫn dè dặt
Ngày đăng: 09/03/2015Hạng mục: Người Nước ngoài
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) ngoại bày tỏ ý định ra mắt dự án mới trong năm Mùi, nhưng họ vẫn thận trọng trước sự hồi phục chưa vững chắc của thị trường bất động sản (BĐS).
Ngày trở lại
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi mọi người tất bật chuẩn bị đón Xuân, Hamon Developments (tập đoàn đầu tư BĐS, tài chính và quản lý quỹ của Anh, có trụ sở tại Hồng Kông) cùng SơnKim Land (thành viên Tập đoàn Sơn Kim) lại ký kết đối tác chiến lược, thông qua việc Hamon sẽ đầu tư vào dự án căn hộ cao cấp Gateway Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) mà SơnKim Land đang sở hữu.
Sau lễ ký kết, Hugh Simon, đại diện của Hamon chia sẻ, đây là dự án thứ 3 (Hà Nội 1 dự án và TP.HCM có 2 dự án) mà Hamon đầu tư sau hơn 15 năm tham gia thị trường Việt Nam. Tại TP.HCM, sự thành công của Hamon được biết đến với khu biệt thự cho thuê Nguyễn Du Villa Park (Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) và trong suốt thời gian dài, hầu như họ không ra mắt bất kỳ dự án mới nào.
Tuy nhiên, ông Hugh nói: "Điều này không đồng nghĩa với việc chúng tôi từ bỏ ý định đầu tư, Hamon vẫn luôn tìm kiếm các dự án thích hợp, thuộc phân khúc cao cấp để tham gia, nhưng vấn đề là phải có quỹ đất đẹp, đối tác uy tín. Với Gateway Thảo Điền, chúng tôi nhận thấy thỏa mãn những điều kiện này và kèm theo đó là sự hỗ trợ của hai ngân hàng lớn trong nước".
Cũng ở phía Đông (gồm Q.2, Q.9), khu vực đang được xem là tâm điểm của thị trường BĐS, hàng loạt dự án sẽ khởi động và chào sân trong năm mới. Thị trường nơi đây đang được hỗ trợ từ lực đẩy hạ tầng.
Ước tính, trong giai đoạn từ 2012-2020, phía Đông TP.HCM có khoảng 11 dự án hạ tầng lớn nhỏ (tuyến Metro số 1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai Đông...) với vốn đầu tư khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng tại thành phố giai đoạn 2010-2020.
Chính điều đó đã thu hút các NĐT thứ cấp và các nhà phát triển dự án quay lại thị trường. Ông Đoàn Anh Hùng, Tổng giám đốc Keppel Land Việt Nam (Singapore) cho biết, năm 2015 là thời điểm thích hợp để Công ty triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án The Estella (P.An Phú, Q.2) có tên gọi Estella Heights, với quy mô 800 căn hộ cao cấp, sau khi bàn giao giai đoạn 1 vào năm 2012.
Trong khi đó, ở Q.9, với sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung tại Khu Công nghệ cao TP.HCM - SHTP (tháng 10/2014, Tập đoàn Samsung - Hàn Quốc nhận giấy phép đầu tư cho dự án Samsung CE Complex, tổng vốn 1,4 tỷ USD), cùng việc TP.HCM thực hiện tuyến Vành đai Đông, nối SHTP với Cảng Cát Lái (điểm đầu từ cầu Phú Mỹ, Q.2 ra xa lộ Hà Nội, Q.9) cũng là động lực để các NĐT mạnh tay đổ vốn vào thị trường, nhằm đón đầu nhu cầu nhà ở của chuyên gia, kỹ sư công nghệ...
Thực tế cho thấy, quý IV/2014, dự án The Eastern (đường Liên Phường, Q.9 - nối trực tiếp ra Nguyễn Duy Trinh), do Công ty HVK (liên kết giữa Công ty CP Xây dựng - Đầu tư Hùng Việt và Quỹ Đầu tư phát triển BĐS Hàn Quốc KRDF03) phát triển, đã thu hút một lượng không nhỏ các chuyên gia từ Samsung đến thuê căn hộ.
Cùng nhắm đến cơ hội từ giao thông thuận tiện và đội ngũ chuyên gia nước ngoài làm việc ở SHTP, một chủ đầu tư đang sở hữu khu dân cư sầm uất trên đường Nguyễn Duy Trinh tiết lộ, nửa đầu năm 2015 này, doanh nghiệp sẽ hợp tác với NĐT Nhật Bản để triển khai dự án chung cư thuộc dòng trung cao, song không tiết lộ chi tiết về phần vốn góp của đối tác Nhật.
Riêng ở khu vực trung tâm TP.HCM, các NĐT ngoại cũng rục rịch cho dự án mới. Giới đầu tư căn hộ tại đây đang mong ngóng giai đoạn tiếp theo của dự án chung cư cao cấp trên đường Ngô Tất Tố, dự định sẽ khởi động trong năm 2015. Đây cũng là dự án được một quỹ đầu tư từ Anh hỗ trợ tài chính và được NĐT thứ cấp đánh giá cao về chất lượng quản lý lẫn tính thanh khoản vì dễ dàng cho thuê lại.
Thận trọng là không thừa
Nhìn vào thị trường BĐS từ năm 2014 có thể thấy, các nhà phát triển dự án trong nước có sự nhập cuộc táo bạo và nhanh chóng hơn NĐT ngoại. Điều này minh chứng, tuy đã quay lại thị trường nhưng doanh nghiệp nước ngoài vẫn khá thận trọng trong chiến lược đầu tư tại Việt Nam.
Theo đó, mức độ tham gia vào từng dự án cũng được cân nhắc kỹ càng. Nói như Hugh Simon thì "cú sốc" vừa qua của thị trường BĐS đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NĐT, đặc biệt là các quỹ ngoại, một số đã nói lời chia tay với thị trường, số ở lại thì phải chờ đến thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tiếp tục "cuộc chơi".
Đại diện Hamon Developments, quỹ đầu tư đang quản lý tài sản trị giá 1 tỷ USD và tập trung các khoản đầu tư vào các thị trường ở châu Á, nhấn mạnh, năm 2015, Gateway Thảo Điền là dự án duy nhất mà Hamon phát triển tại Việt Nam. Trong dự án này, với 4 block căn hộ, tỷ lệ góp vốn của Hamon là khác nhau.
Chẳng hạn, với block căn hộ dịch vụ, Hamon chiếm tỷ lệ chi phối vì đây là thế mạnh của họ. Ba block nhà thương mại (2 block 24 tầng và 1 block 8 tầng) thì SơnKim Land chiếm tỷ trọng vốn cao hơn. Tuy thế, với block 8 tầng, Hamon đầu tư vốn tương đối lớn vào đây với mục tiêu tập trung vào phân khúc cao cấp, có nhóm khách hàng đặc biệt.
Việc tập trung đầu tư vào thế mạnh cũng được phía Keppel Land Việt Nam đồng tình. Khi được hỏi, năm 2015, dự báo dòng căn hộ hạng B và hạng C sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường, với quỹ đất nhiều, liệu công ty có phát triển đa dạng phân khúc nhà ở, ông Đoàn Anh Hùng cho rằng: "Chúng tôi biết ưu thế của mình ở đâu, khi thị trường ở khu vực nào đó đã có quá nhiều người tham gia, mình đi sau, muốn vào chia sẻ thì chí ít phải mang đến điều gì khác lạ và hơn họ, nếu không, rất khó để đuổi kịp họ”.
Được biết, nhóm các nhà phát triển nhà ở, thương mại cả trong và ngoài nước tại khu đô thị City Horse, P.An Phú (hiện có Keppel Land, Daewon, BigC, Parkson...) cũng đang bàn thảo về kế hoạch phát triển toàn khu thông qua việc thiết kế các đường trên cao nối liền các dự án, phân bổ chức năng của từng khu thương mại (tránh phát triển trùng lắp mô hình)... để nâng giá trị cho các dự án và doanh nghiệp trong khu đều được hưởng lợi từ ý tưởng liên kết này, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với những khu khác.
Rõ ràng, NĐT ngoại đã quay lại thị trường trong năm mới, như Công ty CP Chứng khoán Bản Việt đánh giá, triển vọng ngành BĐS năm 2015 sẽ đến từ khối ngoại. Còn một số chuyên gia thì nhận định lạc quan rằng, những chính sách như cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ trở thành động lực cho khối ngoại.
Nhưng thực chất, như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, qua thăm dò từ phía những cơ quan đại diện nước ngoài trên địa bàn TP.HCM, như Nhật Bản, Hàn Quốc thì phần đông những người nước ngoài đang sống và làm việc ở đây chuộng thuê nhà hơn mua.
Cho nên, NĐT ngoại chủ yếu vẫn nhìn vào sức hấp thụ nhà ở từ lượng khách trong nước để cân nhắc loại sản phẩm và thời điểm thích hợp để phát triển dự án mới.
Theo HẢI ÂU - NGUYÊN BẢO (DNSG)