HoREA đưa ra 6 đề nghị liên quan đến người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt nam
Ngày đăng: 12/08/2015Hạng mục: Người Nước ngoài
Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đên này đã có 200 giao dịch bất động sản liên quan đến người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt nam. Tuy nhiên, hiên nay vẫn chưa có các nghị định và thông tư hướng dẫn cho việc thực thi người nước ngoài sở hữu
nhà đất bán cho đối tượng này theo luật ban hành. Mới đây, Hiệp Hội Bất Động sản Tp.HCM đã có 6 kiến nghị về qui định cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt nam
Về quy định cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, HoREA đưa ra 6 đề nghị:
Thứ nhất, Luật quy định người nước ngoài được sở hữu không quá 30% căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư, không quá 250 căn nhà trong 1 đơn vị hành chính tương đương cấp phường, trường hợp trong 1 đơn vị phường có nhiều tòa nhà chung cư thì tỷ lệ người nước ngoài được mua sẽ do Chính phủ quy định. HoREA đề nghị Chính phủ, các bộ ngành xem xét thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhất là các đô thị tập trung đông người nước ngoài.
Thứ 2, về quy định "Trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận tặng cho chỉ được sở hữu nhà trong thời hạn còn lại..." (khoản (4.b) điều 7 dự thảo Nghị định của Chính phủ), HoREA đề nghị sửa đổi để cho phép bên mua, bên nhận tặng cho cũng được sở hữu nhà trong thời hạn tối đa 50 năm như khi mua nhà lần đầu. Điều này sẽ tương đồng với trường hợp người Việt mua lại nhà ở của người nước ngoài thì lại được đổi sổ đỏ, được công nhận sở hữu ổn định lâu dài theo khoản (4.a) cũng thuộc điều 7 của dự thảo Nghị định.
Thứ 3, HoREA đề nghị Chính phủ công bố khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh mà người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở; Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an công bố danh mục các khu vực này. Không nên quy định thêm quy trình làm gia tăng thủ tục hành chính không cần thiết.
Thứ 4, về quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài khi hết thời hạn sở hữu nhà ở thì có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu (khoản (2.c) điều 161 Luật Nhà ở), HoREA đề nghị bổ sung, khi được gia hạn quyền sở hữu nhà ở, thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải chịu thêm chi phí nào khác, ngoài lệ phí hành chính.
Thứ 5, về chuyển khoản tiền mua nhà ở, về vay tín dụng để mua nhà ở, về việc chuyển tiền sau khi bán nhà ra nước ngoài, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà, hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở; và thủ tục chuyển tiền sau khi bán nhà ra nước ngoài.
Thứ 6, về thời hạn cấp visa cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, HoREA đề nghị các Bộ liên quan thống nhất cấp visa với thời hạn dài, có thể khoảng từ 1 - 3 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo HoREA