Hotline: 0911 750 009

Xuất khẩu bất động sản

Ngày đăng: 01/08/2016Hạng mục: Người Nước ngoài

Trong quý I/2016, đã có 700 người nước ngoài mua căn hộ cao cấp tại TP.HCM, so với con số 1.000 người cả năm 2015.


Xuất khẩu bất động sản” - một khái niệm nghe có vẻ lạ tai, nhưng lại là một xu thế đang diễn ra tại Việt Nam. Kể từ khi Luật Nhà ở 2014 bắt đầu có hiệu lực, trong đó cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đã kích thích một số chủ đầu tư tiên phong đem dự án giới thiệu ra nước ngoài.

Chủ đầu tư dự án căn hộ Estella Heights (quận 2, TP.HCM), chẳng hạn, đã thực hiện buổi roadshow giới thiệu dự án đến thị trường Singapore. Chủ đầu tư dự án The Nassim (quận 2) mang dự án đến “chào sân” ở Hồng Kông, trong khi hồi tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng giới thiệu dự án căn hộ hạng sang D’. Le Roi Soleil (Hà Nội) tại Singapore. Các tập đoàn đầu tư dự án nghỉ dưỡng ven biển như Sun Group cũng tích cực mang tới các nhà đầu tư nước ngoài dòng sản phẩm biệt thự tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.

Đi cùng với các chủ đầu tư, các công ty tư vấn lớn như CBRE, Savills gần đây đã tổ chức những hội thảo ở Singapore, Đài Loan hay Hồng Kông để giới thiệu tiềm năng của thị trường địa ốc Việt Nam trong mối tương quan với các thị trường lân cận.

Căn hộ Cao cấp The Nassim Thảo Điền Quận 2 | 15

Mặc dù chi phí cho các hoạt động quảng bá ở nước ngoài không hề rẻ nhưng kết quả ban đầu mang lại khá tích cực. Theo thông tin từ chủ đầu tư, tỉ lệ khách nước ngoài đặt mua The Nassim đã chạm tới mức trần 30% mà Luật Nhà ở 2014 cho phép, hay Estella Heights đã bán được 54 căn ngay tại buổi roadshow ở Singapore.

Tỉ lệ người mua nhà là người nước ngoài tại dự án Nam Phúc Le Jardin (quận 7) của Phú Mỹ Hưng chiếm gần 30%, theo thông tin từ chủ đầu tư. Hay Phúc Khang công bố quỹ đầu tư nước ngoài Genesis Global Capital (Singapore) cam kết mua 30% lượng căn hộ của dự án Diamond Lotus (quận 8). Chủ đầu tư Novaland cũng cho biết lượng người nước ngoài quan tâm đến các sản phẩm của Công ty ngày càng tăng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong quý I/2016 đã có 700 người nước ngoài mua căn hộ cao cấp tại TP.HCM. Con số bán hàng này đã có sự cải thiện đáng kể, bởi trong cả năm 2015, mới chỉ có khoảng 1.000 người mua nhà là người nước ngoài trên địa bàn Thành phố.

Nếu so với tổng lượng giao dịch trên thị trường bất động sản TP.HCM là hơn 39.000 căn năm ngoái thì lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Tuy vậy, đây là đối tượng khách hàng tiềm năng mà nếu tận dụng được, sẽ mang lại cho các chủ đầu tư một nguồn thu không nhỏ bởi đa phần họ là những người có túi tiền rủng rỉnh. Vậy quốc gia nào là đích đến tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt hiện nay?

“Đó là những quốc gia có lợi ích gắn liền với dòng vốn FDI của họ như Hàn Quốc, Nhật bên cạnh các quốc gia tìm kiếm cơ hội sinh lợi hấp dẫn đầu tư vào bất động sản Việt Nam khi so sánh với thị trường xứ họ như Đài Loan và Singapore”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, trao đổi với NCĐT.

Ngoài ra, lượng khách Việt kiều cũng là đối tượng tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt, nhất là khi ngày càng nhiều người Việt ở nước ngoài về Việt Nam tìm cơ hội làm ăn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước ngày càng hội nhập quốc tế.

Savills Việt Nam cho biết suất sinh lợi tại các thị trường trong khu vực hiện rất thấp, thậm chí dưới 1% nhưng suất sinh lợi khi đầu tư vào địa ốc Việt Nam lên đến 5% hay cao hơn, thậm chí một số dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển có suất sinh lợi được chủ đầu tư cam kết lên đến 9-10%.

Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, giá bán bất động sản Việt Nam ở phân khúc trung cấp và cao cấp vẫn đang thấp hơn nhiều so với Singapore. Ví dụ, căn hộ 3 phòng ngủ tại Singapore dao động khoảng 500.000-840.000 USD, trong khi căn hộ cao cấp của Việt Nam hiện khoảng 300.000-400.000 USD.

Nhưng chiêu dụ các khách hàng nước ngoài không phải là chuyện dễ. Một chuyên gia môi giới lâu năm trong ngành chia sẻ, hiện có khá nhiều quốc gia trong khu vực để mắt tới nhà ở Việt Nam, nhưng họ cũng rất kỹ tính. Vì thế, không phải dự án nào mang chuông đi đánh xứ người cũng có kết quả tốt. Ở đây, một câu hỏi đặt ra là liệu chất lượng các dòng sản phẩm nhà ở tại Việt Nam đã đủ để hấp dẫn khối ngoại.

“Các tiêu chuẩn và chất lượng phát triển của thị trường Việt Nam giờ đã khả quan. Thực tế là nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn cảm thấy ngạc nhiên. Mặc dù vậy, người nước ngoài sở hữu kinh nghiệm dày dạn bởi thị trường của họ đã đi trước Việt Nam khá lâu. Họ yêu cầu các điều luật phải theo chuẩn quốc tế, tính minh bạch, chất lượng xây dựng và thời gian giao nhà được đảm bảo”, ông Troy Griffiths nhận định.

Nhìn chung, chỉ có những dự án có vị trí đẹp, thiết kế độc đáo, chất lượng nổi trội, tạo lập một không gian xanh đúng nghĩa và chủ đầu tư uy tín mới có cơ hội chinh phục các vị khách hàng khó tính.

Một điều thú vị nữa là người mua nước ngoài thường nhắm đến các dự án có sự tham gia của các thương hiệu quản lý bất động sản lớn, có tầm cỡ thế giới. Điều này giúp họ bớt lo lắng về việc chất lượng sản phẩm sẽ đi xuống theo thời gian. Đây cũng là một cách để họ bảo vệ hiệu quả đầu tư của mình.

Hiện tại, đã có một số ngân hàng trong nước bắt đầu quan tâm để hỗ trợ tài chính cho người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam và điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tính thanh khoản thị trường cao hơn. Ví dụ, Vietcombank đã đưa ra chính sách hỗ trợ người nước ngoài vay vốn mua nhà tại dự án First Home Premium Bình Dương.

Novaland cho biết hiện có hơn nửa triệu người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, trong đó có khoảng 30.000 người là tổng giám đốc các doanh nghiệp. Nếu khai thác được nguồn cầu này, có thể thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có chuyển biến mới.

Theo Sơn Nguyễn (NCDT)

Newsletter
OK