10 điểm mới nổi bật của Luật nhà ở 2014
Ngày đăng: 29/07/2015Hạng mục: Pháp lý
Sau thời gian dài thảo luận, luật nhà
ở sửa đổi đã nhận được sự đồng
thuận từ tất cả các cấp ban ngành
của chính phủ và cả sự ủng hộ từ
phía thị trường bất động sản tại Việt
Nam
Hôm nay, 01/07/2015, Luật Nhà ở 2014 bắt đầu có hiệu lực, thay thế Luật nhà ở 2005. Khi có các Nghị định hướng dẫn, luật sẽ tác động sau sắc đến thị trường Bất động sản, tăng lợi thế cạnh tranh của thị trường trong khu vực đối với người sở hữu nhà là người nước ngoài.
Theo đó, có nhiều điểm mới nổi bật như sau:
1/ Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Cụ thể, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
2/ Quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài
Quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài có phần hạn hẹp hơn so với công dân Việt Nam. Cụ thể:
Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 01 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn nhà đối với nhà ở riêng lẻ trong 01 khu dân cư tương đương 01 đơn vị hành chính cấp phường.
Trường hợp vượt quá quy định trên hoặc được tặng cho, được thừa kế nhà ở thương mại trong khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Nếu cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở lâu dài và có quyền như công dân Việt Nam.
3/ Tăng thời hạn sở hữu nhà ở cho cá nhân nước ngoài
Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể gia hạn thêm nhưng phải ghi rõ nhu cầu và thời hạn sở hữu trong Giấy chứng nhận
4/ Cá nhân nước ngoài cho thuê nhà ở tại Việt Nam phải nộp thuế
Cá nhân nước ngoài được cho thuê nhà ở để sử dụng vào mục đích pháp luật không cấm, nhưng trước khi cho thuê phải thông báo với cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện và phải nộp thuế từ hoạt động cho thuê này.
5/ Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Ngoài các đối tượng hưởng chính sác hỗ trợ về nhà ở xã hội được quy định tại Luật nhà ở 2005, còn thêm các đối tượng sau đây:
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ trong trường hợp không còn đủ điều kiện được thuê hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi.
- Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
6/ Người có thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội
Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị được hỗ trợ giải quyết cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội.
Ngoài ra, đối tượng này còn được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
7/ Mua nhà ở xã hội không được bán lại trong thời hạn 05 năm
Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.
Nếu trong 05 năm có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế TNCN.
8/ Chưa nhận “sổ đỏ”, chỉ phải trả tối đa 95% giá trị nhà ở
Quy định này áp dụng đối với nhà ở xã hội, căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, tiến độ thực hiện, tổng số tiền ứng trước của người mua không được vượt quá 70% giá trị của nhà ở mua bán đến trước khi bàn giao nhà ở cho người mua và không được vượt quá 95% giá trị của nhà ở mua bán đến trước khi người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
9/ Các trường hợp không bắt buộc phải có “Sổ đỏ”
- Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
- Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
- Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở trong trường hợp bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở, nếu trong 05 năm có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế TNCN.
- Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở.
- Nhận thừa kế nhà ở.
- Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó
Chính phủ sẽ quy định các giấy tờ chứng minh trong trường hợp trên.
10/ Trong vòng 50 ngày sau khi giao nhà, chủ đầu tư phải làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua
Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận, chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà trừ trường hợp họ tự nguyện làm thủ tục.
NhaDatPhoDong
Tổng hợp từ Thư viện pháp luật