Luật Nhà ở 2014: Phá băng thị trường bất động sản

Ngày đăng: 09/03/2015Hạng mục: Pháp lý

Luật Nhà ở năm 2014 chính thức được thông qua với nhiều thay đổi trong quy định được giới đầu tư kinh doanh bất động sản kỳ vọng sẽ làm “phá băng” thị trường ngủ yên nhiều năm nay.

SARIMI-Sala

Mở rộng đối tượng được sở hữu nhà

Trước Luật Nhà ở 2014, quyền sở hữu (QSH) nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài bị hạn chế đáng kể về đối tượng, số lượng, thời hạn và cả nghĩa vụ. Cụ thể, chỉ những cá nhân nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà đáp ứng một số điều kiện thì mới được sở hữu chỉ một căn hộ nhà chung cư. Bên cạnh đó, quyền sử dụng cũng bị hạn chế đáng kể khi họ chỉ được phép sử dụng cho riêng mình.

Luật sư Trần Thái Bình – luật sư thành viên Công ty LNT & Partners cho biết: “Trong quá trình làm việc, nhiều người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam cũng bày tỏ, chính những điều này làm họ không có quan tâm đến việc sở hữu nhà tại Việt Nam. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thường có nhu cầu di chuyển cao giữa các thành phố lớn. Vì thế họ muốn có nhiều hơn một căn hộ để sử dụng. Ngoài ra trong thời gian họ vắng mặt căn hộ cũng có thể được cho thuê, đầu tư sinh lời. Tuy nhiên những điều này lại không được chấp nhận nên gây rất nhiều khó khăn cho họ trong việc mua nhà tại Việt Nam”.

Với Luật Nhà ở 2014 đã mở rộng đáng kể đối tượng người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam. Theo đó, cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam với thời hạn 50 năm (tất cả các thể loại nhà). Ngoài ra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân ở nước ngoài cũng được sở hữu nhà ở phục vụ cho hoạt động của mình. Hơn thế, Luật này cũng cho phép người nước ngoài có QSH nhà ở đầy đủ hơn qua việc họ được quyền góp vốn, cho thuê, cho mượn, ủy quyền, quản lý.

Lẽ dĩ nhiên, cũng có một số hạn chế nhất định đối với QSH nhà ở của người nước ngoài ở Việt Nam như: số lượng nhà do người nước ngoài sở hữu tại một chung cư không quá 30% số lượng nhà hay không quá 250 căn nhà (có đất) tại một phường. Những hạn chế này được đánh giá là cần thiết trong việc đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Việt kiều có quyền sở hữu nhà như người trong nước

Theo một khảo sát gần đây, có trên 60% số Việt kiều được hỏi có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam. Sự đóng góp của Việt kiều vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng quan trọng. Hiện nay lượng kiều hối do người nước ngoài chuyển về Việt Nam đạt xấp xỉ 11 tỷ USD (năm 2014), chiếm gần 8% GDP của cả nước và là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện, lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân). Ngày càng có nhiều Việt kiều có mong muốn trở về Việt Nam để đầu tư và sinh sống.

Với Luật Nhà ở trước đây, Việt kiều phải thuộc diện người đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, có công trong sự đóng góp cho đất nước: nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức Việt Nam đang cần, được miễn thị thực 3 tháng trở lên…thì mới được sở hữu nhà tại Việt Nam. Nhưng theo Luật Nhà ở 2014 chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam, Việt kiều sẽ được sở hữu nhà ở với số lượng không hạn chế mà không phụ thuộc vào việc có quốc tịch Việt Nam hay không. Như vậy, QSH nhà ở của Việt kiều gần như tương đương hoàn toàn với cá nhân trong nước.

Theo Bộ Xây Dựng

Newsletter
OK