GS Đặng Hùng Võ: 'BĐS sức ì quá lớn, nếu uống thuốc lâu lâu mới khỏi'
Ngày đăng: 22/01/2015Hạng mục: Ý kiến chuyên gia
Bất động sản đã có những tín hiệu phục hồi nhất định, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn cụ thể như giá trị hàng tồn kho vẫn ở mức cao.
Sẽ khó có liều thuốc biệt dược cho thị trường do sức ì quá lớn, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết.
* Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng giá trị hàng tồn kho đã giảm hơn 21%, tuy nhiên có ý kiến cho rằng số lượng hàng tồn kho có thể giảm nhưng giá trị hàng tồn kho tăng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
GS Đặng Hùng Võ: Kết quả báo cáo tồn kho bất động sản Bộ Xây dựng đưa ra được tính chủ yếu ở những dự án chuyển đổi công năng trong đó tồn kho đất nền chiếm tỷ trọng khá cao. Tức là giá trị đất có thể chuyển mục đích thành dự án khác, không phải dự án nhà ở.
Còn việc giảm tồn kho bằng giải quyết nợ xấu chưa giảm được nhiều do VAMC thời gian vừa qua chủ yếu tập trung giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại là chính, chưa giải quyết nợ xấu gắn với bất động sản.
Tồn kho bất động sản còn khá lớn gắn với nợ xấu như cục máu đông làm tắc nghẽn nền kinh tế, là vấn đề mà chúng ta còn tiếp tục phải giải quyết.
Nhiều dự án bất động sản còn tồn đọng do không đủ tiêu chuẩn để ở mặc dù giá có thể cao, thuộc phân khúc hạng sang nhưng điều kiện hạ tầng không đáp ứng.
Tôi cho rằng, lúc này cần quên một số dự án và tập trung đầu tư vào những dự án có khả năng bán được để lấy lợi nhuận bù lại mất mát mà dự án tồn kho gây ra. Đồng thời, hi vọng sắp tới quy hoạch tốt hơn sẽ là giải pháp cho các dự án tồn kho.
* Theo ông, thời gian tới đây, bất động sản có thể có liều thuốc biệt dược phục hồi thị trường hay không?
Bất động sản khó có biệt dược để phục hồi trong tương lai gần do đây là thị trường có sức ì lớn, nếu uống thuốc lâu lâu mới khỏi.
* Năm vừa qua, bất động sản cũng chứng kiến lượng vốn FDI đổ vào ở mức tương đối cao so với các lĩnh vực khác. Đây có phải là dấu hiệu bất động sản phát triển, phục hồi?
Tôi vẫn cho rằng bất động sản đã thoát đáy, có cơ hội phát triển. Song một mặt nhìn vốn đổ vào, mặt khác là vốn tồn đọng có giải quyết được hay không do vốn tồn đọng gắn với sức khỏe của nhà đầu tư trong nước.
Nên đây là bài toán cần tính toán tỉ mỉ. Nếu không, thị trường chỉ có đầu tư nước ngoài sẽ không tốt cho cả nền kinh tế. Chúng ta cần có giải pháp, tính toán cụ thể.
* Thị trường bất động sản năm 2015, theo ông, sẽ diễn biến như thế nào?
Phân khúc thấp bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ đang được có giao dịch lớn, đà tăng cung lớn và cầu được đáp ứng. Ngày càng xuất hiện nhiều cầu hơn ở phân khúc này và đây là đà triển vọng cực kì tốt, chúng ta phải tăng cung nữa để đáp ứng.
Tất nhiên tại phân khúc giá cao và trung bình, các nhà đầu tư nên tính toán tốt hơn để có sự hấp dẫn cho cầu thực.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn.
Thứ nhất, quản lý của nhà nước vẫn thiếu chuyên nghiệp. Trong khi chúng ta cần cơ chế điều tiết thị trường nhưng lại yếu và thiếu do đó việc hoàn thiện công cụ quản lý của nhà nước là rất quan trọng.
Thứ hai, nhà đầu tư lĩnh vực bất động sản cũng thiếu chuyên nghiệp, không biết tính toán đầu tư vào đâu mang lại lợi ích cao. Các nhà đầu tư nước ngoài, khi quyết định đầu tư, làm rất nhiều bước như nghiên cứu, thăm dò sức cầu… Nhưng Việt Nam vẫn quen cách làm cứ có đất đầu tư, đầu tư xong bán được, đây là tư duy kéo dài từ khi thị trường còn khan hiếm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo cáo tổng kết năm của Bộ Xây dựng cho biết, tồn kho bất động sản tiếp tục giảm trong năm vừa qua. Tính đến ngày 15/12/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng, giảm 21,8% so với tháng 12/2013 và giảm 54.659 tỷ đồng, giảm 42,52% so với đầu kì báo cáo vào Quý I/2013.
Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý, trên địa bàn cả nước đã có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.897 căn hộ; 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, giảm diện tích phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến 31/10/2014 đạt 299.020 tỷ đồng, tăng 14,08% so với thời điểm 31/12/2013, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,13%). |
Theo Hà Anh/Trí Thức Trẻ