Tuy nhiên, các nhà thầu đã tranh thủ thi công và việc triển khai thực hiện các gói thầu của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga bến xe, bao gồm hạ tầng kỹ thuật toàn khu, phần nhà ga và bãi xe, hệ thống thoát nước và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11-2018.
Các gói thầu thi công xây lắp phần thân và hoàn thiện; cung cấp, lắp đặt thiết bị dự kiến hoàn thành vào ngày 31-12. Dự kiến, Bến xe Miền Đông mới sẽ đưa vào hoạt động một số tuyến đầu tiên vào tháng 1-2019.
Dự án Bến xe Miền Đông mới là một quần thể phức hợp, bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16ha (rộng gấp 3 lần so với Bến xe Miền Đông hiện hữu); trong đó, diện tích ở TPHCM là 12,3ha, phần còn lại của tỉnh Bình Dương.
Theo quy hoạch, Bến xe Miền Đông mới có 4 khu A, B, C, D. Trong đó khu A là bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với tòa nhà cao 26 tầng; khu B là trạm xe buýt 2 tầng; C là khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa 5 tầng; D là khu thương mại dịch vụ 15 tầng.
Tại bến xe còn có các tiện ích khác như khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu… Tổng kinh phí đầu tư 773 tỷ đồng.
Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt hành khách/năm, với 21.000 - 52.000 lượt hành khách/ngày. Mỗi ngày có khả năng đón từ 1.200 - 1.800 lượt xe xuất bến.
Bến xe Miền Đông cũ sau khi chuyển hết hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh ra Bến xe Miền Đông mới sẽ được bố trí làm bến cho xe buýt và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, bến xe mới nằm giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, được kỳ vọng giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu trong hệ thống giao thông vận tải.
Ngoài xe khách liên tỉnh, bến xe mới sẽ có nhiều phương thức vận tải hành khách công cộng để phục vụ việc chuyển tiếp hành khách vào trung tâm TP và các đô thị vệ tinh như tuyến metro số 1, tuyến xe buýt nhanh đi TP mới Bình Dương và các tuyến xe buýt, taxi đưa đón khách, kết nối thuận tiện giữa phương thức vận tải giữa TPHCM với các đô thị vệ tinh.
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, việc một số hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng tại các cửa ngõ của TP như BV Ung Bướu mới, Bến xe Miền Đông mới, BV Nhi đồng TPHCM, tuyến metro... là nền tảng quan trọng để TPHCM xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh, giảm áp lực gia tăng dân số ở các quận trung tâm.
Việc hình thành tuyến metro số 1 Bến Thành - Tham Lương hay Bến xe Miền Đông sẽ góp phần hình thành các khu đô thị mới dọc theo những “trục” này... Ngược lại, khi có nhiều dự án xung quanh các trục này phát triển, sẽ tạo cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát huy hiệu quả tốt nhất.
Bến xe Miền Đông có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Bến xe này nằm ở phường Long Bình, Quận 9 (TPHCM) và phường Bình Thắng (Thị xã Dĩ An, Bình Dương). Theo quy hoạch chi tiết, Bến xe Miền Đông mới gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).
Nguyễn Hải Nam