|
Mô hình khu trung tâm TP HCM với 5 khu chức năng được trưng bày sáng 9/5 tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM. Ảnh: Hữu Công. |
Ngày
9/5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức hội nghị công bố quy hoạch
khu trung tâm hiện hữu của thành phố (930 ha), do công ty Nikken Sekkei
(Nhật Bản) tư vấn lập đề án. Đây là lần đầu TP HCM có quy hoạch tổng
thể toàn bộ khu trung tâm để làm cơ sở quản lý xây dựng đô thị, bảo vệ
cảnh quan, chỉnh trang phục vụ sự phát triển.
Theo quy hoạch, khu trung tâm TP HCM sẽ bao gồm một
phần các quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh, khác với trước đây trung tâm chỉ
gói gọn trong quận 1 và 3. Ranh giới khu lõi trung tâm là đường Nguyễn
Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè ở phía bắc; đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu -
Cách Mạng Tháng 8 ở phía tây; phía nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai -
Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Vĩnh
Phước - Hoàng Diệu và Nguyễn Tất Thành còn phía đông giáp sông Sài Gòn.
Trung tâm thành phố được phân chia thành 5 vùng đặc
thù với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định hướng quy hoạch và cải tạo
đô thị khác nhau với quy mô dân số dự kiến là 273.000.
Theo đó, Phân khu 1 (CBD) là khu vực tập trung các
công trình có chức năng thương mại - tài chính của thành phố, phát triển
các chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính,
toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1 rộng 92,3 ha. Phân khu 2 là tập
trung các công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, là trục trung tâm
quanh trục đường Lê Duẩn, rộng 212,2 ha.
Phân khu 3 (khu bờ Tây sông Sài Gòn) là khu phát triển
mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận có diện
tích gần 275 ha. Phân khu 4 (khu thấp tầng) là khu dân cư hiện hữu, có
nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc với chức năng khu dân
cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng có diện tích 232 ha. Cuối
cùng là phân khu 5 (lân cận lõi trung tâm), nằm kế cận phân khu 1 về
phía Nam được phát triển với chức năng kinh doanh thương mại có diện
tích 117,5 ha.
|
Quy hoạch khu trung tâm hiện hữu 930 ha sẽ là cơ sở
quản lý xây dưng và chỉnh trang đô thị cho khu trung tâm TP HCM. Theo
đó, độ cao các công trình sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nhất là khu vực
gần các công trình lịch sử như trụ sở UBND, nhà hát, chợ Bến Thành. Ảnh:
Hữu Công. |
Về
giao thông, phân khu 1 được bố trí thành khu vực dành cho người đi bộ.
Đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ sẽ được chuyển đổi thành các phố buôn bán bộ
hành. Vòng xoay trước chợ Bến Thành cũng được chuyển thành khu đi bộ.
Ngoài ra, đường Đồng Khởi và một phần đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn giữa
Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hàm Nghi) cũng dành cho người đi bộ, chỉ cho phép
ôtô, xe máy phục vụ các công trình thuộc tuyến ra vào.
Với quy hoạch 930 ha này, tầng cao của các công trình
mới sẽ thấp dần để tạo sự cân bằng với các công trình lịch sử, nhất là
quanh những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử như trụ sở UBND, Nhà
hát thành phố và chợ Bến Thành.
Tuy nhiên, các công trình trong khu vực tái phát triển
dọc sông Sài Gòn và chợ Bến Thành sẽ được xây cao hơn nhằm tạo điểm
nhấn kiến trúc. Ngoài ra, tầng cao công trình sẽ được xây dựng thấp dần
về phía bờ sông để tạo không gian mở và tầm nhìn từ phía trong ra bờ
sông.
Hữu Công