TPHCM tập trung phát triển quy hoạch khu Đông thành phố

Ngày đăng: 22/09/2015Hạng mục: Qui hoạch-Chính sách

UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở-ngành liên quan rà soát, nghiên cứu các nội dung điều chỉnh quy hoạch đô thị toàn TP theo nhu cầu phát triển đô thị

Biet thu Mega Village.jpg

UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở-ngành liên quan rà soát, nghiên cứu các nội dung điều chỉnh quy hoạch đô thị toàn TP theo nhu cầu phát triển đô thị thực tiễn hiện nay trên địa bàn thành phố. Trong đó ưu tiên rà soát các quận ven (quận 2, 9, 7, 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp...).

UBND thành phố cũng yêu cầu, khu vực phía Đông là một trong bốn hướng phát triển chính của thành phố nên phải đảm bảo phát triển đô thị một cách bền vững. Việc phân bổ quy mô dân số và các chỉ tiêu quy hoạch đô thị phải có sự khác biệt so với các khu vực khác có tốc độ phát triển đô thị hóa chậm.

Trong thời gian qua tại khu vực cửa ngõ phía Đông (gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức), tình hình phát triển đô thị rất nhanh so với các khu vực khác trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thành phố cho biết công tác quy hoạch đô thị, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch tại khu vực chưa đáp ứng được sự phát triển, dẫn đến tình trạng quy mô dân số tại khu vực này gia tăng. Đồng thời hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực cũng chưa đáp ứng được sự phát triển gia tăng dân số…

Được biết, theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), tính đến nửa đầu năm 2015 khu Đông TP HCM (từ trục cầu Sài Gòn đổ ra Thủ Đức đến Ngã tư Vũng Tàu), dòng tiền đầu tư xây dựng cầu, đường cao tốc, vành đai và các tuyến đường huyết mạch ước tính gần 3 tỷ USD.

Sang thị trường nhà ở, báo cáo của một doanh nghiệp BĐS cũng cho biết tính đến quý II/2015 có khoảng 40.000 căn đang xây hoặc đã công bố (ước tính 100.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD), nhà cao cấp tập trung cục bộ vào khu tam giác quận 2, Bình Thạnh và Thủ Thiêm.

Như vậy, số tiền chảy vào các dự án hạ tầng, nhà ở và trung tâm thương mại tại trục phía Đông Sài Gòn ước tính khoảng 8 tỷ USD và dòng vốn này đang không ngừng tăng lên. Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng vốn này hứa hẹn một chu kỳ bất động sản sôi động tại khu vực phía Đông.

Hoàng Yến (Tri Thức Trẻ)

Newsletter
OK